Feeds:
Bài viết
Bình luận

Archive for Tháng Tám 22nd, 2010

Bông hồng trắng

Ngát hương nhớ Mẹ: Vu Lan
Còn đâu Mẹ nữa mơ hoang gọi mừng
Trắng tinh mấy cụm hoa hồng
Nhớ sao tình Mẹ mãi nồng nàn con

Chữ tình mẹ trọn dấu son
Mịt mờ sương sớm đêm hôm dáng cò
Bỏ quên xuân sắc ước mơ
Vòng tay ôm hết con thơ gia đình

Sương mai, bấc lạnh riêng mình
Tóc theo sương gió mà nhìn mơ trôi
Bao la lòng mẹ cả đời
Con hoài lầm lỗi lặng lời mẹ xin

Read Full Post »

Cầm tờ báo buổi sáng với cái tin ông GS Ngô Bảo Châu được giải thưởng Fields, ba chỉ nói thế này.

.

Thấy không, người ta có quốc tịch Pháp, người ta nổi tiếng thế giới, mà vẫn là họ Ngô và tên Bảo Châu. Đâu có cần phải là Philip, Micheal hay Albert gì đâu.

.

Cái trí tuệ và tài năng của ông ấy đã là điều hiển nhiên, chỉ là không ngờ từ chuyện ca ngợi, ba lại lái sang chuyện tên Tây họ Ta ngọt như thế.

.

Mà nghĩ cũng có lý.

.

Nhớ hồi xưa, đi học ở mấy trung tâm Anh Văn (tên gì thì chịu, nhớ hết nổi, nhiều trung tâm quá mà =)), cứ vào lớp là học trò bị bắt phải sắm một cái tên tiếng Anh. Amy, Carol, Carlos, Robert … gì cũng được. Lí do đơn giản: cho thầy/ cô nước ngoài dễ gọi. Hồi nhỏ thì khoái lắm, bởi nghe hay hay, ngộ ngộ, lại khiến cho mấy đứa nhỏ xứ mình cảm giác đang học ở cái xứ Tây nào đó thiệt.

.

Lớn rồi mới biết, thế nào là nhục. Ấy là nhục. Nỗi nhục mà khi còn bé, ta và những đứa nhóc lại lấy đó làm niềm vui và thỏa sức mà hưởng thụ cái niềm vui ấy. Nhục rằng, ta qua xứ người thì (bắt buộc) phải nói tiếng người cho người hiểu, giờ đến lúc người qua xứ ta thì cũng phải lấy tiếng người mà chọi với người. Trong lớp AV, dĩ nhiên,  nói tiếng Anh là chuyện không bàn cãi, nhưng sao đến cái tên cha sinh mẹ đẻ cũng không được giữ?

.

Lớn rồi mới biết nếu ngày đó, ta sẽ nói thế này: tên thầy tôi đọc rành rọt, thế thì tên tôi, cũng mời thầy tập cách mà gọi. Nhìn vào danh sách mà đọc. Nhớ mặt mà nói. Chả ai bắt thầy phải phát âm một cách tên Việt theo cách Việt hoàn toàn. Lơ lớ. Ngô ngố. Giông giống. Sao cũng được. Học tôn trọng nhau bắt đầu từ thứ đơn giản nhất.

.

Mà nói thì nói vậy thôi, chứ chuyện cái tên đã càng lúc càng không kiểm soát nổi. Như trên Facebook, ta xa nó một thời gian để khi vào lại thì không biết đứa bạn nào là đứa bạn nào. Tên Tây, tên Tàu, tên La tin, đủ kiểu. Nói như một đứa bạn thân của ta, thì đặt tên nước ngoài như vậy, sau này đi làm hay tiếp xúc với người nước ngoài cũng dễ dàng. Họ sẽ không phải gặp khó khăn khi gọi cái tên của mình. Nhận mail dễ dàng, gửi mail dễ dàng, phân công giao việc cũng dễ dàng.

.

Vậy ra bạn, và những người bạn khác, tự đặt tên mình ở vị trí thấp vậy sao? Cái tên mà ba mẹ bạn không biết đã suy nghĩ mất bao nhiêu lâu, chăm chút ý nghĩa của từng chữ cẩn thận thế nào, cuối cùng chỉ vì người khác – ở xứ khác – thấy khó đọc, thì liền đổi không chần chừ? Đổi bằng cách quơ đại một cái tên nước ngoài nào khác – không cần biết nghĩa, chỉ cần nghe dễ thương – và tự hào để nó đại diện cho mình. Nếu bạn chịu tìm hiểu và muốn tìm hiểu sẽ thấy những cái tên nước ngoài, cũng như tên ta, có ý nghĩa của riêng nó. Các bậc cha mẹ nước ngoài, cũng như cha mẹ ta, cũng vắt óc suy nghĩ ra một cái tên cho con cái họ. Cho nên cái tên của người xứ nào cũng đều là tinh hoa, là nguyện ước, là thứ chứa đựng gần như những điều hạnh phúc đong đầy nhất của người đặt ra. Nắm đại một cái tên và đặt nó cho mình không đắn đo, bạn lại hạ thấp chính mình lần thứ hai.

.

Những biệt danh vui vẻ, hài hước, đáng yêu, nhí nhảnh, sử dụng cho tên chat, tên blog … nếu bạn lấy chữ nước ngoài thì cũng không là vấn để gì to tát. Nhưng, đôi khi, sao ta không nghĩ đến những thứ dễ thương như vậy bằng thứ tiếng của mình? Về ngôn ngữ, tiếng Việt luôn sẵn sàng và đầy đủ. Muốn từ gai góc có gai góc. Muốn chữ dễ thương có dễ thương. Muốn tên lập dị có lập dị. Muốn phức tạp thì cứ thoải mái ghép chúng với nhau. Muốn đơn giản như đất, như trời thì cứ lấy Đất, Trời, Gió, Mưa, Mây, Nước, Ong, Bướm … gì ấy mà đặt.

.

Còn nếu muốn trang trọng và nghiêm túc cho những trường hợp học hành, làm việc, phỏng vấn …, cứ lấy tên của mình. Bỏ hết dấu đi và đảo họ ra phía sau tên như người nước ngoài vẫn làm, cũng đã là một cách khiến tên dễ đọc hơn nhiều rồi. Vẫn khó lắm sao?

.

Đặt cái tôi cao quá không bao giờ là tốt, nhưng đem cái tôi để xuống dưới chân như vậy càng không thể gọi là ổn.

.

Ngày xưa có ông thầy, trong giờ học Giáo dục công dân đã kể chuyện không liên quan thế này: Trong ngoại giao, nếu đại sứ (hay người đồng nhiệm) của nước bạn đứng trên nấc thang cao hơn mà đưa tay ra bắt, đại sứ nước ta (hoặc người có chức vụ tương đương) phải biết bước lên bậc thang ngang hàng rồi mới đưa tay đáp lễ. Chột dạ nghĩ đến, trong cuộc sống thường ngày, nếu xem mỗi người dân Việt (cụ thể ở đây là “dân mạng”) là một sứ giả cho đất nước, thì họ đang đứng ở đâu để bắt tay người nước ngoài khi mà cả cái tên mình cũng không biết tôn trọng?

Read Full Post »