Feeds:
Bài viết
Bình luận

Archive for Tháng Tám 21st, 2010

Giấc mơ

Trăng vàng u uẩn ngăn mây
Giăng trời che kín chia tay biệt chờ
Âm u nào thấy đường tơ
Lỡ làng duyên kiếp sầu đo lụy tình

Xốn xang cõi mộng tình mình
Mây đen ngăn lối che hình dáng trăng
Gọi người ơi mộng cố nhân
Chia lìa Ngưu Chức dòng Ngân bạc sầu

Chạnh lòng rớt giọt mưa ngâu
Sụt sùi giọt lệ nhỏ câu ấm nồng
Tim yêu đỏ giọt máu hồng
Ngàn năm lưu luyến với dòng tình thơ

U hoài tình mộng còn mơ…

Read Full Post »

TÌNH THU


Mơ màng tình mộng thật gần
Em đừng cao quá như vầng trời xanh
Tình xa sợ mộng chẳng lành
Để anh rời rã lìa cành phiêu du

Gần đi em ngọt lời ru
Đừng như chiếc lá mùa thu vợi vời
Xin đừng xa cách trùng khơi
Hãy gần gần nữa một lời thủy chung

Tình xa nối sợi nhớ nhung
Đêm đơn thổn thức đau cùng lối thơ
Xốn xang tình ái bơ vơ
Em đừng xa thế gọi mơ đau tình

Read Full Post »

Ngụ ngôn

Ngụ ngôn 31

Con thiên nga vốn rất ghét cái gì đen đúa hay vấy bẩn. Thiên nga thấy chồn hôi hám nên lên án gắt gao. Thiên nga cũng bực bội loài chuột chù vừa hôi vừa dơ bẩn. Thiên nga còn sợ loài rắn hung ác chuyên phun nọc độc. Nhưng thiên nga vẫn phải sống chung.

Nhưng cho dù ghét loài dơ bẩn, hôi hám, độc ác, không phải tất cả thiên nga đều lên án hay tránh né những loài ấy. Một số con thiên nga muốn yên thân nên cũng chơi với chuột, nói năng như rắn và đi kiếm ăn với chồn.

Còn những nàng thiên nga muốn giữ cho mình trắng tinh và xinh đẹp thì hay gặp những chuyện phiền toái, bị giành ăn và bị cô lập.

Một ngày nọ tất cả các gia đình thiên nga họp lại để quyết định phải “lên tiếng”. Nhưng khi họp lại, thì một số thiên nga đã nhuộm màu lông của cọp, một số đen như chuột, số khác thì uốn éo như rắn.

Rồi mùa đông cũng qua đi. Khi rừng mở hội đón xuân, thì những cô thiên nga trắng tinh dù còn ít ỏi, ốm đói và bị khóa miệng, vẫn hòa khúc nhạc xuân hay nhất của năm ấy. Nhờ vậy mà hoa rừng được khích lệ nở bừng đón xuân.

Ngụ ngôn 32

Chim ca vang. Sói bảo: “Mày cầu nguyện cả ngày, chẳng làm gì à?” Chim đáp: “Tôi cầu nguyện và rồi đi tìm mồi cho chim con”. Bướm tung tăng cám ơn Đấng Hóa Công cho màu rực rỡ. Sói bảo: “Mày cầu nguyện, chẳng lo nhuộm cho màu đẹp hơn?” Bướm đáp: “Tôi cầu nguyện và giúp kén nhả tơ”. Hoa đùa trong gió, tỏa hương bay lên trời. Sói phàn nàn: “Mày cũng lo cầu nguyện, chẳng lo mùa giông bão à?” Hoa cười: “Khi tôi dâng hương lên Trời cũng là lúc tôi tỏa hương cho đời”.

Sói nghe xong lẩm bẩm: “Còn ta mải lo săn mồi, cuối cùng chẳng có tiếng ca, chẳng còn màu sắc mà cũng chẳng có chút hương thơm”. Nói xong hắn vục miệng vào vũng nước, cô đơn và chán nản.

Ngụ ngôn 33

Đường trải nhựa bóng loáng. Xe chạy bon bon. Người đi nô nức. Đường nhựa chạy mãi gặp con đường đất gồ ghề. Đường nhựa bảo: “Cậu xem tớ mô đen và lộng lẫy chưa? Ai như cậu ngàn năm lởm chởm?”

Đường đất không nói gì, chỉ mỉm cười tung bụi mịt mù. Bỗng mưa lớn, mưa như hồng thủy. Đường nhựa càng khoái chí cười ngất trong mưa vì nó trông bóng và sạch hơn nhiều. Đường đất nhìn nó mà thèm. Hèn gì xe lớn xe nhỏ chạy tới chạy lui tán tỉnh nhựa ta.

Nước ngập tràn đường nhựa và dâng nhanh như lũ. Xe chết máy. Người người dắt xe. Người ta cố chen nhau lên đường đất, vì đường đất gần con lạch nên chỉ trơn ướt chứ không ngập bì bõm.

Nước rút. Đường nhựa trông dơ bẩn và gớm ghiếc với đủ thứ đất và rác rưởi. Nhưng kinh hồn hơn là giữa đường có một lỗ đen bí hiểm, to và sâu như miệng núi lửa. Đường nhựa khóc nói với đường đất: “Cậu ơi, hóa ra tớ chỉ có cái vỏ là bóng đẹp thôi. Ruột thì đã bị rút hết từ lâu”.

Ngụ ngôn 34

Voi đi bán ngà giả bằng nhựa, nói: “Ngà này gia truyền ngàn năm”. Cọp đi bán da giả bằng cao su, nói: “Da này đã phơi khô từ thời Thi Sách”. Cừu đi bán len giả làm bằng nylon. Cừu bảo: “Len này được xén từ Palestine”. Vậy mà thiên hạ chen chúc mua. Bắt chước các con thú đó, chim ưng cũng đi bán tiếng ca giọng hát, nó giả tiếng chim gáy buổi sáng, nghe quá tức cười nên ai cũng chê và đuổi nó đi.

Chim ưng hỏi các con thú kia: “Sao các bác bán đồ giả người ta mua, còn tôi bán giọng ca giả chẳng ai thích vậy?” Voi bảo: “Chú mày nhìn đi, ngà, da hay len cũng giống bằng cấp giả, người ta mua bán được vì đem về chưng đó khó phát hiện, chứ giọng ca cũng như kiến thức, mở miệng ra là thiên hạ biết ngay thuộc đỉnh cao nào!”

Ngụ ngôn 35

Hội thi nói thật được tổ chức mỗi năm một lần giữa các môn phái trên núi Vị yết nam sơn. Trong giang hồ thường người ta chỉ thi nói dối vì ai ai cũng nói thật, nói dối đối với họ là khó vô cùng. Còn các môn phái ở Vị yết nam sơn này vốn quen gian dối nên thi nói thật đâu có dễ đậu. Các môn phái tỉ thí, ráng nói thật nhưng cuối cùng ai cũng lòi cái đuôi giả dối, nên rớt tuốt.

Cuối cùng một đại chưởng môn của môn phái nọ bước lên. Ông thi xong được vỗ tay rào rào. Giải thưởng nói thật của Vị yết sơn năm ấy được trao cho ông ta. Ông nói gì mà chiếm giải dễ dàng vậy. Câu trả lời là ông im lặng chẳng nói gì cả.

Lời bình: Hóa ra ở Vị yết nam sơn này, người ta dạy nhau rằng hễ ngậm miệng thì thôi, chứ đã mở miệng là cứ… phét.

Ngụ ngôn 36

Đường cát nhìn cà phê cười khinh khỉnh: “Ta ngọt ngào mới làm vừa lòng thiên hạ. Còn nhà ngươi, đắng nghét, không có ta, ai thèm uống cà phê”.

Đường cát quay sang chanh: “Chị chua như thế ai mà thèm. Phải có tôi chị mới ngọt ngào làm mát lòng người đời”.

Đường cát vẫn tự hào mãi như thế cho đến một hôm đường thấy người ta khuyến cáo giảm đường. Nhiều người uống cà phê đen không đường. Đá chanh cũng giảm đường lại. Uống cà phê không đường thì được. Ăn chanh với muối cũng được. Nhưng chẳng ai ăn đường không.

Lời bình: Ngọt ngào quá thế gian cũng thấy ngán.

Ngụ ngôn 37

Mùa Trung Thu, thiên hạ nhộn nhịp mua bán bánh và lồng đèn. Bánh trung thu đắt giá, có khi một chiếc bánh giá bằng cả chục ký gạo. Lồng đèn có khi chẳng cần đèn mà giá cũng cao gấp mấy lần lồng đèn truyền thống. Những quầy bán hàng trung thu rực rỡ ánh đèn. Người ghé mua, người đến ngắm, nhộn nhịp những con phố. Bánh trung thu cười nói huyên thiên. Lồng đèn chớp mắt sang trọng.

Bỗng trời đổ mưa. Mưa to và phố ngập. Gió lớn và điện tắt hết.

Mưa tạnh hẳn. Bánh trung thu ướt sũng, chẳng ai buồn mua. Lồng đèn tơi tã, ướt thế kia thì pin nào thắp được. Nhưng ở trong con hẻm nhỏ, khi điện tắt hết, ánh trăng bỗng chiếu sáng lung linh. Trẻ con nghèo chỉ có bánh đa và lồng đèn dán bằng bao nylon cũ. Những đứa trẻ rước đèn múa hát vui tươi trong khi bánh trung thu và lồng đèn cao cấp cứ cúi đầu tiếc tiền!

Khuya, trẻ con về nhà hết. Chị Hằng đi ngủ. Trước khi tắt ánh trăng, chị đọc lại lá thư của liên đoàn bánh trung thu và lồng đèn cao cấp: “Chị đi với chúng tôi, sẽ được trả cao”. Chị viết vội vài chữ trả lời: “Có trả được cho tôi niềm vui trong trẻo của tuổi thơ hẻm nhỏ?”. Viết rồi, chị bấm “send” và cười hồn nhiên.

Ngụ ngôn 38

Voi con đi đường bị sập xuống cống bị gãy chân. Voi mẹ đến hỏi tội ống cống. Cống bảo: “Tôi có tội gì nào? Tại cái nắp không chịu đậy”. Hỏi nắp cống, nắp bảo: “Tôi có tội gì nào? Tại nước ngập đấy tôi ra khỏi chỗ của tôi”. Hỏi nước, nước bảo: “Tôi mà có lỗi ư? Tại mưa không báo trước”. Hỏi mưa, mưa than thở: “Nước dưới kia bốc hơi nhanh quá sao mây chịu nổi”. Hỏi vòng vòng đúng một trăm chỗ, voi mẹ quay lại ống cống và bảo: “Tôi có thể đạp nát anh ra, vì thật ra mưa là ơn huệ cho đời, nhiệm vụ của anh phải là bảo vệ, mà anh vô ơn quá”. Cống nói: “Nhưng tôi vô tri, làm gì được? Lỗi là ở cơ chế” Voi ngẫm nghĩ một lúc rồi nói: “Vậy được rồi, tôi tha cho anh, nhưng kẻ nào “chế” ra cái “cơ” ấy rồi sẽ rớt xuống cống thôi”.

Read Full Post »

Thư gửi quốc hội của GS Ngô Bảo Châu

Thư viết từ Princeton, ngày 27 tháng 5 năm 2009

Kính gửi Quí vị Đại biểu Quốc hội khóa 12:

Đã có khá nhiều phản biện thuyết phục về kinh tế, ảnh hưởng môi trường và an ninh của dự án khai thác bô xít ở Tây Nguyên, tôi không có gì bổ sung thêm. Tôi mạn phép cầm bút viết cho Quí vị với tư cách là một công dân suy nghĩ và trăn trở với vận mệnh của đất nước. Phần lớn các Quí vị cũng như tôi không phải chuyên gia trong các vấn đề kể trên, nhưng với những tư liệu được cung cấp, chúng ta có thể chắt lọc một số sự thật hiển nhiên, gọi chúng bằng tên của chúng, sắp xếp chúng một cách có logic để mỗi người có thể có quan điểm riêng của mình. Đó là phương pháp làm việc khoa học mà qua trải nghiệm hàng ngày trong công việc của một nhà toán học, tôi biết nó không dễ dàng. Nhưng đó chính là trách nhiệm mà Nhân dân đã phó thác lên vai của Quí vị.

Quan hệ Việt Nam-Trung Quốc dài và sâu như chính lịch sử Việt Nam. Người Việt Nam có phông văn hóa, cách suy nghĩ và ứng xử nhiều phần giống người Trung Quốc, không ít người Việt Nam có tổ tiên đến từ Trung Quốc. Quan hệ với Trung Quốc vừa là một phần hữu cơ vừa là một nguy cơ cho sự tồn vong của bản sắc Việt Nam. Đây là một dữ kiện lịch sử mà ta không nên mất thời gian bàn xem nó tốt hay xấu, đáng vui hay đáng buồn, mà dành thời gian để suy nghĩ đến hệ quả của nó. Suy nghĩ nghiêm túc có hệ thống tránh cho ta việc trong thời bình lại ứng xử tình thế như trong thời chiến: lúc thì “môi hở răng lạnh”, lúc lại xua đuổi Hoa kiều mà nhiều gia đình đã gắn bó với mảnh đất này qua nhiều thế hệ.

Cái tôi muốn đề cập đến trong bức thư này không phải là quan hệ giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Trung Quốc mà là chính sách “thực dân mới” của chính quyền Trung Quốc. Cũng như các nước Anh, Pháp trong thế kỷ mười chín, Mỹ trong thế kỷ hai mươi, công nghiệp Trung Quốc trong thế kỷ hai mốt phát triển như vũ bão. Hệ quả hiển nhiên là Trung Quốc hôm nay, cũng như các nước kể trên hôm qua, đói nhiên liệu, nguyên liệu và thị trường tiêu thụ các sản phẩm của mình. Như trong sách lịch sử cho học sinh phổ thông, ta gọi các nước Anh, Pháp cho quân đi chiếm thuộc địa là chính sách thực dân cũ, Mỹ trong thế kỷ hai mươi và Trung Quốc hôm nay dùng uy thế chính trị và kinh tế để dành nhiên liệu nguyên liệu và thị trường là chính sách “thực dân mới”. Đây cũng là một dữ kiện lịch sử mà ta không nên mất thời gian bàn xem thực dân cũ, mới là tốt hay xấu, gọi tên như thế có quá đáng hay không, mà dành thời gian để suy nghĩ đến hệ quả của nó. Hệ quả cho các nước bị thực dân như ở châu Phi thì ta biết : tài nguyên khai thác bừa bãi, môi trường tàn phá, kinh tế phát triển lệch lạc do quá phụ thuộc vào việc khai thác tài nguyên kéo theo tệ tham nhũng và bất bình đẳng xã hội nghiêm trọng.

Trung Quốc thực hiện chính sách “thực dân mới” một cách có hệ thống ở châu Phi, châu Mỹ la tinh và mọi nơi có nhiên liệu, khoáng sản trong đó có Việt Nam. Trong trường hợp của Việt Nam, ảnh hưởng quá mức của Trung Quốc có thể kéo thêm hệ quả nguy hiểm sau đây : quan hệ hữu cơ vốn có của văn hóa Trung Quốc với văn hóa Việt Nam trở thành đô hộ văn hóa. Đất nước, con người, văn hóa Trung Quốc có nhiều thứ để ta cảm phục và học tập. Nhưng nếu ta rập khuôn theo mô hình của họ, đi theo con đường họ đã đi, làm theo cái họ nói tức là cái họ muốn, thì ta chỉ nhận phần thiệt thòi, còn bản sắc ta thì tồn vong được bao lâu. Vấn đề độc lập văn hóa, giữ gìn bản sắc vô cùng hệ trọng, xin Quí vị lưu ý…

Xin quay lại vấn đề khai thác bô xít ở Tây Nguyên. Đọc tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc năm 2001 khi Tổng bí thư Nông Đức Mạnh sang thăm Trung Quốc và năm 2006 khi Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào sang thăm Việt Nam, ta nhận thấy một điều hiển nhiên là Trung Quốc rất quan tâm đến tài nguyên này và muốn ta khai thác bằng được. Trong những trường hợp như vậy, chỉ suy diễn ta cũng thấy việc này có lợi cho họ nhiều hơn cho ta.

Tuy nhiên, suy diễn thôi không đủ. Nghiên cứu kỹ Báo cáo của Chính phủ và các phản biện đặc biệt quan tâm đến những con số, cá nhân tôi có ý kiến sau đây :

1) Dữ kiện chính của vấn đề là Việt Nam có nguồn tài nguyên bô-xít lớn thứ ba thế giới chủ yếu tập trung ở Tây Nguyên. Dữ kiện này kéo theo sự quan tâm của các nước công nghiệp đói bô-xít chứ không kéo theo ta phải khai thác bô-xít. Về phía ta, dữ kiện trên kéo theo ta có thể lựa chọn có khai thác bô-xít hay không và nếu có, ta có thể lựa chọn thời điểm và qui mô thích hợp.

2) Báo cáo của Chính phủ cho biết qui hoạch bô-xít được lập trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng. Tại thời điểm này, kinh tế toàn cầu đi vào khủng hoảng, có nguy cơ kéo dài.

Dữ kiện chính về kinh tế vĩ mô không còn đúng nữa, không rõ hiệu quả kinh tế đã được tính toán lại như thế nào. Trong báo cáo của Chính phủ, phần chắc chắn là phần lỗ những năm đầu, vì là lỗ kế hoạch. Ngay cả tính toán giả định ta cũng chưa rõ là sẽ lỗ kế hoạch bao nhiêu năm. Phần lãi sau đó phụ thuộc vào nhiều giả thiết : giá nhôm tăng trở lại, mưa đủ để có nước rửa quặng, nhà nước đầu tư thêm vào đường sắt để vận chuyển quặng. Nếu cứ cho mỗi giả thiết sác xuất 50-50 như cách diễn đạt của lãnh đạo Than khoáng sản, sác xuất có lãi sau một số năm lỗ kế hoạch, nhiều nhất là một phần tám, chưa tính đến chi phí cho môi trường.

3) Diện tích sử dụng cho khai thác bô-xít dự kiến là 8,6% tỉnh Đắc Nông là một con số khổng lồ nếu ta nghĩ đó là 8,6m2 trên tổng diện tích 100m2 nhà của ta.

4) Báo cáo cho biết khai thác bô-xít không thể tránh khỏi ảnh hưởng nhất định đến môi trường và có nêu một số giải pháp công nghệ khắc phục. Trong các phản biện có nêu khó khăn đặc thù của ta là khai thác bô-xít ở đầu nguồn một số sông lớn như sông Đồng Nai, chưa có tiền lệ trên thế giới. Cá nhân tôi băn khoăn nhất chỗ thiếu hoàn toàn dự toán chi phí cho việc bảo vệ môi trường. Ngay trong nhưng trường hợp đơn giản hơn như Vedan, công nghệ thì đã có, nhưng vi phạm môi trường thì vẫn đỡ được 30% chi phí. Như vậy phần ảnh hưởng đến môi trường là phần chắc, phần bảo vệ môi trường còn phụ thuộc vào nhiều giả thiết, có cái phụ thuộc vào ta (chọn công nghệ), có cái không phụ thuộc vào ta (thời tiết, địa thế), có cái ta chưa tính toán đến (chi phí), vì vậy rất đáng lo.

5) Báo cáo cho biết dự án có ảnh hưởng tốt cho xã hội, cụ thể tạo ra hàng ngàn công ăn việc làm cho nhân dân địa phương. Nếu so sánh với mức đầu tư hàng tỉ đô-la Mỹ, thì có nhiều cách hay hơn, an toàn hơn, hiệu quả kinh tế nhãn tiền hơn, để tạo vài ngàn việc làm. Lưu ý con số công ăn việc làm trong báo cáo tương đương với con số hộ dân bị di chuyển. Còn viễn cảnh xây dựng trung tâm dịch vụ, khách sạn, du lịch và giải trí xung quanh hồ chứa bùn đỏ, theo tôi, ít có sức thuyết phục.

Xin nhắc lại, cũng như phần đông Quí vị, tôi không phải chuyên gia ngành khai thác khoáng sản, nhưng qua nghiên cứu kỹ Báo cáo của Chính phủ và các phản biện của nó, tôi nhận thấy trong Quy hoạch chung khai thác bô-xít ở Tây Nguyên, phần có hại thì cầm chắc, phần có lợi thì mong manh. Bối cảnh kinh tế thế giới rất không thuận lợi cho khai thác nguyên liệu thô, vậy cái gì thúc đẩy ta triển khai khai thác ào ạt vào thời điểm này.

Khác với các nước Châu Phi thế kỷ mười chín, đất nước chúng ta là một quốc gia độc lập có chủ quyền. Quí vị, phần nhiều ở tuổi cha, tuổi chú của tôi, biết rõ hơn tôi : độc lập chủ quyền của ta không phải tự nhiên mà có. Nước ta có một Quốc hội do nhân dân bầu ra, một Chính phủ do Quốc hội chỉ định, một Quân đội phục tùng Chính phủ. Đó là một thành quả cũng không phải tự nhiên mà có.

Tôi kính mong Quí vị bỏ thời gian, nghiên cứu tường tận Báo cáo dự án khai thác bô-xít Tây Nguyên, các phản biện khoa học của nó, lắng nghe ý kiến cử tri và suy nghĩ đến sự tồn vong của đất nước, để rồi xây dựng quan điểm riêng của Quí vị, trình bày nó rõ ràng trong nghị sự của Quốc hội và chịu trách nhiệm về nó trước các cử tri. Tôi rất biết đây là việc khó, nhưng dù Quí vị muốn hay không muốn, nhân dân đã đặt niềm tin lên vai của Quí vị.

GS. TSKH Ngô Bảo Châu,

Giáo sư toán học Đại học Paris 11, Pháp,

Thành viên của Institute for Advanced Study, Princeton, Mỹ.

Địa chỉ hiện tại:

School of Mathematics

Institute for Advanced Study

Einstein Drive

Princeton NJ 08540 U.S.A.

Read Full Post »

Người sử dụng có thể lựa chọn trong số các chương trình antivirus miễn phí dưới đây để giúp máy tính an toàn hơn.

AntiVir có thể nói là phần mềm dẫn đầu về mức độ tinh cậy về khả năng chống virus. Phiên bản miễn phí AntiVir Personal Edition rất dễ sử dụng, hỗ trợ tìm và diệt roorkit, ngăn chặn spyware và các phần mềm gây hại khác. Điểm hạn chế là người dùng thường gặp hộp thoại quảng cáo bản thu phí mỗi khi khởi động chương trình.
Là bản miễn phí của một trong những phần mềm bảo mật hàng đầu hiện nay, BitDefender Antivirus Free Edition sử dụng chung engine với phiên bản thu phí nên người dùng có thể yên tâm về khả năng năng diệt virus, phần mềm gián điệp…
Avast Free Antivirus là bản miễn phí nhưng người dùng phải tiến hành đăng ký để nhận mã bản quyền sử dụng 1 năm (trước khi thời hạn dùng thử 30 ngày kết thúc). Avast có giao diện đẹp mắt với tính năng chống lại phần mềm gây hại, phòng tránh lây nhiễm qua e-mail, chat, ngăn chặn tấn công từ các website chứa mã độc…
AVG Anti-Virus có thể diệt virus, chặn adware và spyware… Gọn nhẹ, tốc độ quét cũng như nhận diện nhanh, mức độ an toàn cao là những ưu điểm của AVG.
Với hơn 22 triệu người dùng, ClamWin là một trong số ít các phần mềm bảo mật nguồn mở có giao diện đơn giản, file cài đặt nhỏ và hoạt động nhẹ nhàng, Đây là sự lựa chọn hàng đầu cho máy tính cấu hình yếu.
Ngay khi ra mắt, Microsoft Security Essentials đã nhận được nhiều sự ủng hộ của người dùng. Điểm nổi bật của MSE là tương thích tốt với Windows cũng như khả năng nhận dạng các phần mềm gây hại.
Hàng triệu người trên thế giới lựa chọn Spyware Terminator để sử dụng bởi đây là phần mềm diệt spyware giành nhiều giải thưởng và được người tiêu dùng đánh giá rất cao.
Với PC Tools AntiVirus Free Edition, máy tính được bảo vệ chống lại virus, spyware, Trojan…, giúp lướt web an toàn và nguy cơ lây nhiễm virus qua e-mail sẽ được ngăn chặn. Ngoài ra, phần mềm còn giúp lọc thư rác hiệu quả.
Rising Antivirus Free Edition khá lạ với người sử dụng VN nhưng lại là một trong những sản phẩm diệt virus được yêu thích trên thế giới nhờ được trang bị các công nghệ mới và riêng biệt, giúp Rising Antivirus có tính tự động cao.
A-squared Free giúp máy tính chống lại virus, spyware, adware, keylogger, Trojan… và được các website công nghệ chấm điểm rất cao.
//

Theo VnExpress

Read Full Post »